Blog

Lật tẩy những chiêu "lùa gà" của giới cò đất mà nhà đầu tư nên biết

18-05-2021 | Blog

Môi giới bất động sản (BĐS) là một bộ phận không thể thiếu trên thị trường hiện nay. Nhiều người lầm tưởng họ với “cò đất”, “cò bất động sản”, nhưng sự thực không phải như vậy. Môi giới là những người giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán. Những người môi giới có tâm, họ luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Nhằm minh oan cho nghề này, một nhà môi giới vừa có tâm - vừa có tầm đã có những chia sẻ, “lật tẩy” cách chiêu thức, mánh khóe lừa gạt của những người đích thị là “cò” trong giới BĐS.

Chiêu thức “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Với chiêu thức này, “cò đất” sẽ đưa ra một món hàng tốt, giới thiệu cho khách hàng. Nhưng khi khách đến xem hoặc xuống tiền đặt cọc họ lại đánh tráo thành món hàng kém chất lượng hơn. Ví dụ, lô đất lúc chào bán có vị trí đẹp, nằm trong khu vực tái định cư nhưng thực tế là phong thủy không tốt, vướng cây cối, đường đâm thẳng vào nhà... Hoặc miếng đất gồm nhiều lô, cò dẫn khách đi xem lô 41 nhưng khách đặt cọc xong hoặc xuống tiền rồi thì cò lại đưa lô 40, vì lô 40 có lỗi.

Chiêu thức "giá bán đã hỗ trợ của ngân hàng"

Cũng có trường hợp không phải vấn đề lỗi sản phẩm mà liên quan đến giá bán. Nhiều sales BĐS “không có tâm” hay áp dụng đưa ra giá bán đã hỗ trợ của ngân hàng. Ví dụ dự án có căn nhà 4 tỷ, người môi giới chào bán rằng chỉ cần 1,2 tỷ là khách đã sở hữu nhà. Sự thật là do ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 70% nên khách chỉ cần trả trước 1,2 tỷ là có nhà. Khách hàng gọi tới sau khi biết sự thật có thể không mua, nhưng ngược lại, môi giới sẽ có dữ liệu của khách để bán chéo sang các dự án khác.

Chiêu thức sử dụng “chim mồi”.

Đây là chiêu thức được đánh giá cao cấp hơn chiêu thức trên. Ví dụ thực tế là khi bạn đang xem 1 căn nhà thì có khách khác từ đâu chạy tới, sau đó quyết định đặt cọc luôn. Người này thật ra là chim mồi do phía “cò đất” cài vào, nếu bạn đang phân vân 50/50 thì việc họ xuất hiện có thể khiến bạn lo sợ mất cơ hội mua nhà, khiến căn nhà trở nên “khan hiếm” mà nhanh chóng xuống tiền hoặc đặt cọc trước.

Chiêu thức “thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Đây cũng là một trong những chiêu thức dù ít xảy ra nhưng nhà đầu tư cũng cần cẩn thận. Ví dụ “cò” sẽ đưa ra cho khách một lô đất ở vị trí A, có hình thức và giá cả đẹp. Khi khách đặt cọc xong, vài ngày sau môi giới sẽ gọi tới, nói rằng có người muốn mua lại với giá cao hơn. Nhưng thực tế, chẳng có ai gọi cả. Thậm chí môi giới sẵn sàng tự bỏ tiền túi vài chục triệu đồng, giả vờ rằng vị khách kia sẵn sàng chồng tiền đặt cọc.

Lúc này, khi người mua có cảm giác mình đã đầu tư đúng chỗ tốt, và thấy dự án khả thi, môi giới sẽ tiếp tục chào bán thêm vài lô đất nữa. Nếu lòng tham nổi lên, khách mua thêm vài lô thì có nghĩa chiêu "thả con săn sắt, bắt con cà rô" đã đạt hiệu quả.

Làm giả quy hoạch bán đất

Chiêu thức này sẽ không đơn thuần là chiêu trò nữa mà là hình thức lừa đảo, thường diễn ra ở các khu vực đang "sốt đất", ít thông tin, chính quyền nằm ở vùng nông thôn... Lợi dụng tình hình, “cò đất” từ nơi khác đến sẽ làm giả quy hoạch, tạo sóng để kêu nhà đầu tư vào.

Mạo danh chủ đầu tư để nhận cọc 

“Cò đất” mạo danh chủ đầu tư nhận cọc cũng thường xuyên xảy ra. Có thể chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, chưa mở bán nhưng “cò” sẽ tự nhận là người của chủ đầu tư để đứng ra nhận cọc. Trong trường hợp này, khách nên yêu cầu môi giới đưa thẳng tới văn phòng của chủ đầu tư để làm việc trực tiếp, nếu giả mạo sẽ bị phát hiện luôn.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư hiện nay sẽ bán sản phẩm qua các đơn vị phân phối F1. Nếu đặt cọc với môi giới thuộc F1, khách cần yêu cầu môi giới dẫn tới văn phòng công ty F1 này, yêu cầu được xem giấy chứng nhận phân phối BĐS trực tiếp từ chủ đầu tư.

Vì những thành phần môi giới “không có tâm” như trên, làm việc theo phong cách “cò đất” mà khiến nhiều anh em môi giới mang tiếng. Nghề này sẽ có người nọ người kia, nhà đầu tư cần lựa chọn cho mình địa chỉ đầu tư uy tín, nhà môi giới có tâm để tránh rủi ro cho mình.

Cortez Tran @tamsumoigioi.vn