Blog

Thăm nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

07-11-2019 | Blog

Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự Việt Nam, nổi tiếng về tài thi ca, có những câu thơ được nhiều người truyền tụng. Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì những đóng góp trong thời kỳ chống Pháp và Giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật.

 

Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ được xây ở ngay mảnh vườn nhà. Đường từ Sài Gòn ra ngã tư cầu Bình Phước qua trạm thu phí Lái Thiêu 20km tới ngã tư Hòa Lân thì rẽ phải. Đường lớn qua Ngã tư Bình Chuẩn, chợ Tân Phước Khánh, qua Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên qui mô hiện đại tới Thị trấn Uyên Hưng rồi tới ngã tư bưu điện thị xã Tân Uyên; từ ngã tư bưu điện đi theo đường DT 746 sẽ gặp cổng chào huyện Bắc Tân Uyên, và từ cổng chào này chạy thêm khoảng 3 km sẽ qua Khu cổ mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên, chạy thêm 1,2 km nữa là tới Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Cổng chào huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương)

Từ cổng chào huyện Bắc Tân Uyên chạy thêm 4km là tới nhà lưu niệm 

Được đặt khiêm tốn trong vườn cũ, nhà tưởng niệm vừa được nâng cấp có 2 tầng. Tầng trên là phần thờ tự bày biện theo truyền thống Việt Nam.

Tầng dưới được trưng bày ảnh và hiện vật của Nhà thơ Chiến sĩ. Qua hình ảnh, những tấm ảnh đã ố mờ theo thời gian, có thể biết phần nào về những chặng đường đời oanh liệt của ông: Tổ chức chiến khu từ 1944 ở quê nhà Tân Uyên, Tổ chức khởi nghĩa tháng 8-1945, Trực tiếp bắt sống những kẻ cầm đầu chính quyền cũ, những tên việt gian sừng sỏ. Nhờ lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 5-1946 Tư lệnh quân đội Nam Bộ là Trung tướng Nguyễn Bình phong Chi đội trưởng Chi đội 10. Rồi sau đó lần lượt làm Khu Bộ phó Khu bộ 7 Miền Đông Nam Bộ, rồi Khu trưởng Khu 7 kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Đây là những năm hào hùng và oanh liệt nhất của người chiến sĩ với câu thơ lưng ngựa, kiếm thép cầm tay. Làm người thân quen của những vị lãnh đạo chính trị quân sự nổi tiếng đất Nam Bộ: Nguyễn Bình, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Nguyên, Lê Đức Thọ…

Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cách UBND xã Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên, Bình Dương) khoảng 1,2 km

Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Nhà tưởng niệm nằm trong khuôn viên vườn nhà cũ của thi tướng

Ngoài một số vật dụng, đồ dùng ít ỏi còn lưu giữ được, Nhà tưởng niệm còn bày bút tích thi nhân qua các cuốn sổ tay, ghi chép. Nhờ thế có thể thấy bản gốc bài thơ ta quen với đầu đề: Nhớ Bắc, trong sổ ghi là: Tiễn bạn về Bắc, cuối bài ghi rõ: Ga Sài Gòn 1940.

Trong đó có câu thơ tác giả viết: Từ độ mang gươm đi giữ nước

Có lẽ cũng như số phận những bài thơ nổi tiếng một khi lưu truyền được dân gian hóa và tác phẩm luôn được sửa đổi theo văn cảnh và địa phương. Những câu chữ sửa đổi có thể không hay hơn nhưng phù hợp hơn với tâm trạng, tâm thế, hoàn cảnh người đọc.

Những dị bản của câu:

Từ độ mang gươm đi giữ nước (mở cõi)

Trời Nam (ngàn năm) thương nhớ đất Thăng Long

là một trường hợp như thế!

Một số câu thơ Huỳnh Văn Nghệ từ lâu đã được dùng làm khẩu hiệu trong các áp phích, tranh cổ động vì tính súc tích, sức hàm chứa có sức động viên và cổ vũ:

Nước Việt Nam, ôi Việt Nam yêu mến

Sống vì Người, ta thác cũng vì Người

Không bao giờ để lợi danh lưu luyến

Mong ngàn thu rạng rỡ với đời

Hay:

Trên lưng ngựa múa gươm vừa (và) ca hát

Thì lòng say chiến trận cũng là thơ

(Dị bản: Lòng ta say chiến trận đến thành thơ)

Đọc câu thơ này, có thể nghĩ, tác giả dùng bút pháp khoa trương, mượn hình tượng người tráng sĩ cổ. Nhưng nhìn bức ảnh phóng lớn tác giả vung gươm trên lưng ngựa thủa trai trẻ mới thấy đó là một câu thơ tả thực.

Có điều, phần tưởng niệm chưa nói hết những thăng trầm trên đường đời của vị Võ tướng - thi nhân và vì mang đồng thời hai tính cách ấy mà đường công danh nếu có khá nhiều giai thoại làm nên những huyền thoại đẹp thì cũng không ít những trắc trở vì kỷ luật quân đội luôn kỵ với sự phóng túng, hào hoa, mang mầu sắc hảo hán, lãng tử, hiệp sĩ tự do, vốn là bản tính của người đi mở cõi.

Rất mừng là từ 2006, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã tặng cho ba tác phẩm của ông: Chiến khu xanh, Bên bờ sông xanh, Rừng thẳm sông dài.

Và Bình Dương quê hương đã lấy tên Huỳnh Văn Nghệ đặt cho Giải thưởng Văn học của Tỉnh.

Trường PTTH Huỳnh Văn Nghệ

Trường PTTH mang tên thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ngay trên quê hương ông

Đường Huỳnh Văn Nghệ (Tân Uyên, Bình Dương)

Góc giao nhau giữa đường Huỳnh Văn Nghệ và DT 746 gần ngã tư bưu điện thị xã Tân Uyên 

Vậy, ông là nhà thơ - chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng. Muộn còn hơn không. Cái kết đẹp cho một cuộc đời Đẹp, người đã đem thi ca làm nên vầng hào quang đặc biệt cho hành trình gian nan của người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc. Chính cuộc đời chiến đấu và thi ca của ông đã đính chính sự lo lắng năm nào:

Phải mẹ biết con muốn làm thi sĩ

Thì mẹ ơi, Chi xiết nỗi ưu phiền

Nhà thơ Thanh Tịnh, thi sĩ tiền chiến duy nhất suốt đời mặc áo lính, có ao ước làm sao chỉ gửi lại cho đời sau một câu thơ nhân tình. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ chắc chắn đã làm được hơn thế!

Tới thăm nhà Tưởng niệm xây trong khuôn viên đẹp, bình yên trên đất Tân Uyên, chợt nhớ bài thơ Mất Tân Uyên tác giả viết ở chiến khu Đ năm 1949:

Trận Tân Uyên cuối mùa Đông năm ấy

Lần đầu tiên giặc Pháp nếm chua cay

Lần đầu tiên đạo viễn chinh lừng lẫy

Phải lui về bỏ lại mấy trăm thây.

Rồi từ đó Tân Uyên thành chiến địa

Máu quân thù tiếp tục chảy không thôi

Dòng sông xanh đã nhuộm mầu máu tía

Thuyền bến xưa phiêu bạt bốn phương trời.

Đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chiến khu Đ, Đất miền Đông lại qua những tháng năm bị tàn phá nặng nề. Nhưng cũng là những năm tháng người miền Đông lập nên những chiến công làm khiếp đảm kẻ thù.

Người miền Đông hôm nay đang biến miền đất chết bao năm tháng cũ thành một vùng công nghiệp năng động, giầu sức sống mà Bình Dương - Tân Uyên của Huỳnh Văn Nghệ là một địa chỉ nổi tiếng.

Nhà tưởng niệm nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ không chỉ để nhớ về Ông, mà rộng hơn, qua cuộc đời và tác phẩm của một con người, ta biết cụ thể, sâu sắc, ấn tượng hơn về một Vùng quê thân yêu.

Đài truyền hình TP.HCM HTV từng trình chiếu bộ phim Truyền hình nhiều tập Vó ngựa trời Nam, tái hiện một thời sôi động của Kháng chiến Nam Bộ qua hình tượng Võ tướng Huỳnh Văn Nghệ. Đến lượt cuộc đời nhà thơ chiến sĩ thành chất liệu cho những sáng tạo văn học nghệ thuật mới.

Vị trí nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trên bản đồ Google map